TPM là gì? Sự cần thiết của TPM đối với các doanh nghiệp Việt Nam
TPM được mô tả như một dụng cụ vắt nước cam bằng tay, có thể vắt ra những giọt nước cam cuối cùng sau khi quả cam đã qua máy vắt cam tự động. TPM giúp cải thiện sản xuất một cách toàn diện, tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Vậy TPM là gì?
TPM là gì? Mục tiêu hướng đến của TPM là gì?
TPM là gì?
TPM là viết tắt của Total Productive Maintenance có nghĩa là Bảo trì toàn diện. TPM là phương pháp quản lý hướng tới sự đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng với sự tham gia của mọi người trong doanh nghiệp.
Mục tiêu là tạo ra một môi trường sản xuất không có sự cố cơ học và xáo trộn kỹ thuật bằng cách liên quan đến mọi người trong nhiệm vụ bảo trì mà không phụ thuộc nhiều vào cơ khí hoặc kỹ sư. TPM là một chương trình, hoạt động với tầm nhìn chiến lược dài hạn và liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực trong vài năm của doanh nghiệp để thực hiện thành công và duy trì bền vững.
TPM chỉ ra rằng công việc bảo dưỡng là rất quan trọng, liên quan và góp phần rất lớn vào kết quả kinh doanh của nhà máy, kết quả mang lại là lợi nhuận đột phá cho nhà đầu tư. Dừng thiết bị để bảo trì có kế hoạch là một phần công việc trong một ngày sản xuất, như một mắt xích trong qui trình sản xuất. Mục tiêu là không dừng thiết bị khẩn cầp (thiết bị chỉ dừng khi chúng ta chủ động dừng nó.
Nó sẽ giúp nhà sản xuất quẳng gánh lo đi vì cạnh tranh nếu biết kiên trì áp dụng nó. Bởi vì nó có thể giải quyết các yếu tố quyết định trong cạnh tranh: năng suất (Productivity), chất lượng (Quality), chi phí (Cost), giao hàng (Delivety), tinh thần làm việc (Moral), an toàn – sức khoẻ & môi trường (Safely – Health & Enviroment), nó giúp cho nhà sản xuất giải phóng các trở ngại trên con đường đạt đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
TPM là một phương pháp quản lý đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có của đơn vị sản xuất bao gồm công nghệ, thiết bị, con người v.v… Với TPM, mọi người cùng hợp lực và tương tác với nhau để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị một cách hiệu quả nhất. Suy nghĩ “trách nhiệm của tôi (công nhân vận hành) là vận hành thiết bị, trách nhiệm của anh (nhân viên bảo trì) là sửa chữa” được thay bằng “Tôi và Anh cùng chịu trách nhiệm về thiết bị của Chúng ta, nhà máy của Chúng ta , tương lai của Chúng ta ”.
Đọc thêm: Quản lý bảo trì: Các phương pháp phổ biến nhất hiện nay
Mục tiêu của TPM là gì?
Mục tiêu của TPM là nhằm tăng tối đa hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt quá trình tồn tại của máy móc thiết bị.
Mục tiêu của TPM gói gọn trong 4 không (4 Zero):
- Không có sự cố dừng máy (Zero Breakdow).
- Không có phế phẩm (Zero Defect).
- Không có hao hụt (Zero Waste).
- Không tai nạn(Zero accident).
Lợi ích áp dụng TPM là gì?
Lợi ích trực tiếp:
– Tăng năng suất và hiệu suất thiết bị toàn phần (OEE);
– Giảm chi phí sản xuất phát sinh do máy móc hỏng và dừng hoạt
động thông qua thiết lập một hệ thống bảo dưỡng trong suốt vòng đời
của thiết bị;
– Nâng cao sự hài lòng của khách hàng do giao hàng đúng hạn và
chất lượng đáp ứng yêu cầu.
Lợi ích gián tiếp:
– Tạo môi trường làm việc tốt hơn, giảm tai nạn lao động;
– Cải tiến kỹ năng và kiến thức của cán bộ nhân viên;
– Khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tinh thần làm chủ.
Sự hình thành của khái niệm TPM
Vào những năm đầu của thập kỷ 70, những nhà quản lý ở Nhật, sau một thời gian áp dụng TQM (Total Quality Management): Quản lý chất lượng toàn diện và JIT (Just In Time), nhận thấy lĩnh vực bảo trì thiết bị trong quá trình sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, trong khi ở Mỹ, nó đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong sản xuất và nguyên tắc về bảo trì đã trở thành một triết lý (no maintenance, no operation). Từ nhận thức đó, các công ty Nhật đã kết hợp tinh thần quản lý chất lượng của Nhật với tính hiệu quả của bảo trì Mỹ, họ đúc kết thành lý thuyết quản lý TPM. Công ty đầu tiên áp dụng thử nghiệp ở Nhật là Công ty Nipon Senso (sản xuất phụ tùng xe hơi). Vào những năm sau đó, TPM đã được triển khai đại trà trong các công ty và xí nghiệp tại Nhật. Và đến những năm 90 thì TPM đã lan tỏa ra khắp thế giới.
Đọc thêm: Đâu là phần mềm quản lý sản xuất được các doanh nghiệp Nhật tin dùng?
Các trụ cột của TPM
TPM được ví như một ngôi nhà, trong đó các nguyên tắc của TPM chính là hệ thống cột trụ của ngôi nhà đó. Các trụ cột (Pillar) của hoạt động TPM gồm:
Bảo trì tự quản (Autonomous Maintenance): người vận hành máy biết sửa chữa, bảo trì máy và nhận diện các hư hỏng ở một mức độ nhất định. Tự bảo dưỡng giúp người vận hành biết về kết cấu và chức năng của máy, hiểu về quan hệ giữa máy móc và chất lượng, quen với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác mọi bất thường của máy cũng như cách khắc phục nhanh chóng và phù hợp nhất.
Bảo trì có kế hoạch (Planned Maintenance): nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh dừng máy, tránh các lỗi lặp lại, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì.
Quản lý chất lượng (Quality Management): xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa. Đồng thời phân tích quá trình sản xuất để tìm ra các điểm dễ xảy ra lỗi và tiến hành khắc phục.
Cải tiến có trọng điểm (Focus Improvement): ưu tiên tập trung cải tiến những vấn đề có tính quan trọng then chốt trước. Bên cạnh đó khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận.
Huấn luyện và đào tạo (Training & Education): nếu không có quá trình đào tạo đúng và chuẩn hóa, TPM và hệ thống bảo trì nói chung, sẽ không thành hiện thực. Việc đào tạo phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
An toàn, sức khỏe và môi trường (Safety, Health and Environment): tiến tới không có tai nạn lao động, không có bệnh nghề nghiệp, không tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt nhấn mạnh đến an toàn của người vận hành thiết bị.
Hệ thống hỗ trợ (Support Systems): các hoạt động phục vụ cho TPM của các bộ phận sản xuất gián tiếp rất quan trọng… nhiệm vụ của họ là thu thập, xử lý, cung cấp thông tin, phục vụ các nhu cầu khác của sản xuất.
Quản lý từ đầu (Initial Phase Management): xem xét mọi giai đoạn của sản xuất từ đầu đến cuối và tìm cách cải thiện các điểm yếu ngay từ đầu.
Bên cạnh các trụ cột trên, để thực hiện tốt TPM không thể thiếu hoạt động 5S. Nếu ví TPM như là một tòa nhà, 8 nội dung trên chính là 08 trụ cột của ngôi nhà đó, còn nguyên tắc 5S là nền móng ngôi nhà. 5S giúp việc phát hiện các vấn đề để tiến hành những hoạt động cải tiến trong TPM.
Đọc thêm: Lãng phí trong sản xuất là gì? Cách loại bỏ lãng phí trong sản xuất
Áp dụng TPM ở các doanh nghiệp Việt Nam
Từ năm 1990 trở về trước, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có cơ hội biết đến các phương pháp TPM là gì, việc kiểm soát chất lượng chỉ giao bộ phận KCS. Một phần là do chưa có nhu cầu cải tiến vì nền kinh tế còn mang đậm dấu ấn bao cấp, chưa có khái niệm cạnh tranh của kinh tế thị trường. Một phần nữa là do chưa có điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới thông qua đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhận chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ quản lý.
Từ năm 1990 trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh phát triển, cùng với hội nhập và tính cạnh tranh càng trở nên gay gắt đã dần dần thay đổi tư duy các doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quản lý như ISO 9001, 14000, phương pháp quản lý nhà xưởng 5S, chương trình sản xuất sạch và xanh, TQM v.v… Tuy nhiên con số doanh nghiệp Việt Nam thật sự quan tâm và đầu tư cho quản lý còn rất khiêm tốn.
Trong thực tế các doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc đầu tư cho trang thiết bị hiện đại và xây dựng nhà xưởng mới là giải pháp đột phá và tối ưu trong cạnh tranh, trong khi công tác quản lý điều hành thì thật là rối rắm và kém hiệu quả. Các doanh nghiệp của Nhật như Toyota, Sony đạt đến thành công như ngày nay là do họ đã quyết tâm và kiên trì chiến lược cải tiến sản xuất cách đây hơn 30 năm chứ không phải một sớm một chiều.
TPM là kim chỉ nam và tấm bản đồ vạch ra con đường phải đi cho doanh nghiệp. Nó giúp cho doanh nghiệp biết phải làm gì một khi muốn phát triển lớn mạnh. Đích đến của nó là dưa doanh nghiệp phát triển toàn diện và bền vững thực sự, có sức mạnh cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu về mặt giá cả, chất lượng và thương hiệu.
Như vậy hy vọng bạn có câu trả lời cho câu hỏi TPM là gì? TPM là một phương pháp duy trì và cải thiện tính toàn vẹn của hệ thống sản xuất và chất lượng thông qua các máy móc, thiết bị, nhân viên và các quy trình hỗ trợ. TPM có thể có giá trị lớn và mục tiêu của nó là cải thiện các quy trình kinh doanh cốt lõi.